Ảnh hưởng Sự cố đồi 192

Hậu phiên xử án, Storeby đã nhận được một lá thư tuyên dương từ Thiếu tướng John J. Tolson (en) khi đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi công lý trước vụ án "nghiêm trọng" và "tàn bạo" này.[1] Suốt nhiều năm sau đó, ông phải sống với một cái tên giả để tránh bị trả thù bởi những người ông từng tố cáo.[3] Trong cuốn Ideologies of Forgetting của Weaver, tác giả nhận định quá trình Storeby đấu tranh trong khó khăn để đưa những đồng đội gây ra tội ác chịu trách nhiệm trước pháp luật chứng tỏ sự ít quan tâm của Quân đội Hoa Kỳ, hệ thống tư pháp quân đội và công chúng tới người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam đương thời.[10] Cũng sau bài viết của Daniel Lang, người viết cho rằng dân chúng Mỹ đã không có các động thái gây sức ép lên tòa án quân sự hay sự dung túng cho hành vi này; ngược lại, Storeby còn bị một số cá nhân khiển trách vì hành động của mình.[1][10]

Năm 1969, câu chuyện đã được biết đến rộng rãi thông qua bài viết của nhà báo Daniel Lang (en) cho tờ The New Yorker[1] và bản in sách ra mắt cùng năm.[11][12] Tên các nhân vật trong bài được đổi toàn bộ để bảo vệ nhân chứng và bị cáo.[1] Theo tiết lộ từ tờ báo này, nhiều công ty sản xuất phim đã mua lại bản quyền tác phẩm để dựng thành phim. Vào khoảng 1970, một nhóm văn hóa phản kháng bị cáo buộc ăn cắp nội dung bài báo và làm ra bộ phim Mao, mà sau đó giành được giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes. Công ty phim Hollywood đã kiện các nhà sản xuất vì vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, phía tòa án xét xử ra phán quyết có lợi cho bên sản xuất Mao vì lấy nội dung theo hồ sơ vụ việc, dù tên các nhân vật rõ ràng giống với tên trong bài viết.[2] Năm 1970, Michael Verhoeven (en) thực hiện bộ phim o.k. dựa trên sự việc; tác phẩm sớm vướng vào bê bối khi tham dự Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 20. Geogre Stevens (en), đạo diễn người Mỹ kiêm chủ tịch ban giám khảo liên hoan phim, đã từ chức sau khi không thành công trong việc loại bỏ o.k. khỏi danh sách dự thi như là một tác phẩm chống Mỹ; tiếp đó, toàn bộ ban giám khảo cũng giải tán và không có giải thưởng nào được trao, sau nhiều cuộc biểu tình và gây sức ép từ công chúng, truyền thông và những ứng cử viên.[13][14] Năm 1972, Elia Kazan lấy một phần câu chuyện của Lang để chọn làm điểm bắt đầu cho The Visitors (en). Tới năm 1989, Brian De Palma (en) đạo diễn và cho ra mắt Casualties of War, một tác phẩm lấy từ cuốn sách cùng tên.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sự cố đồi 192 http://www.newyorker.com/archive/1969/10/18/1969_1... http://www.phoenixnewtimes.com/1989-08-30/news/the... https://www.dw.com/en/berlinale-looks-back-on-60-y... https://books.google.com/books?id=bJ6cSXTpDAMC https://newspaperarchive.com/tucson-daily-citizen/... https://www.armfor.uscourts.gov/ConfHandout/2022Co... https://tjaglcs.army.mil/documents/35956/196606/TA... https://web.archive.org/web/20100808011625/http://... https://web.archive.org/web/20131203021304/http://... https://web.archive.org/web/20211030010841/https:/...